Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Đu Đủ
Cây Đu Đủ Đài Loan phát triển rất khỏe, cây có trái sớm, cây có trái đầu tiên lúc cây cao khoảng 80cm. Tỷ lệ đậu trái cao, một mùa 1 cây có thể đậu 30 trái trở lên, sản lượng rất cao. Trái lớn, trọng lượng trái từ 1,5Kg – 2Kg, (có thể đạt 3 kg/ trái). Cây cái ra trái hình bầu dục, cây lưỡng tính cho trái dài. Da nhẵn bóng, thịt dày màu đỏ tươi, độ đường thông thường khoảng 13 độ brix, dễ vận chuyển. Cây đu đủ rất ưa nắng và trời ấm áp. Nhiệt độ dưới 0độC làm cây chết hay hư hại nặng nề. Đu đủ cũng cần nhiều mưa và mưa phân phối đồng đều. Nếu không thì cần tưới nước, đu đủ mới cho nhiều trái. Thiếu nước mùa nắng, hoa sẽ ít đậu trái và trái non sẽ rụng nhiều. Tuy nhiên, nếu quá nhiều nước, nhất là nước đọng thì cây mọc hay phục hồi chậm, yếu. Lá, rễ bị hư hại nhiều. Cây đu đủ cũng không chịu đựng được gió to.
1, Tiêu Chuẩn Chọn Giống:
Chọn hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao, ngâm hạt vào nước, loại bỏ các hạt lép lửng, chỉ lấy các hạt chắc chìm dưới nước. Ngâm hạt trong nước ấm 3 sôi 2 lạnh trong 10 giờ rồi tiến hành ủ hạt trong chiếc khăn ẩm. Thời gian ủ 4-5 ngày, hàng ngày nhặt các hạt nứt nanh nảy mầm mang gieo. Nếu khăn khô thì phun nước vào để khăn ẩm và ủ tiếp.
2, Thời Vụ và Mật Độ Trồng:
– Miền Bắc: vụ Xuân trồng vào tháng 2 – 4 hoặc vụ Thu cuối mùa mưa (Tháng 9 – 10) – Miền Nam: trồng vào đầu mùa mưa (Tháng 4 – 5). Những vùng chủ động tưới tiêu trồng vào cuối mùa mưa (Tháng 10 – 11 )
– Miền Trung: vụ Xuân trồng vào Tháng 12- 1, vụ Hè Thu trồng tháng 5-6. Cây đu đủ được trồng theo hàng với khoảng cách hàng cách hàng 2,0 – 3,0m. Khoảng cách giữa hai cây là 1,8 – 2,0m tương đương với 1500 – 2600 cây/ha.
3, Làm Đất Và Đào Hố Trồng:
Chọn đất ở vùng cao, thoát nước tốt, hoặc vùng đất đồi, nếu trồng ở vùng đồng bằng phải lên luống thật cao và đường mương thoát nước phải sâu. Đất giàu chất hữu cơ là lý tưởng nhất. Độ pH thích hợp từ 6 – 6,5. Đất cày sâu lên luống cao, mặt luống rộng 1m, cao 0,4 – 0,5m, cây cách cây khoảng 2m, căn cứ vào khoảng cách để đào lỗ, bón phân lót rồi trộn đều với đất và đắp bằng. Cây đu đủ trước khi xuống giống 1 ngày phải tưới nước đầy đủ, lấy cây trong bầu ra rồi trồng xuống đất ngay thẳng, mỗi hốc trồng 1 cây, sau đó tưới nước. Đối với mặt luống dùng màng phủ nông nghiệp thì hố đào vừa túi bầu (khoảng 15 x 20 cm) Mỗi hố cần: 5kg phân chuồng; 300g NPK (15-9-17+TE), 300g Supe lân, 250g bao hạt vàng, 200g vôi. Đào hố với kích thước 60x60x60 cm
4, Phân Bón Lót:
Bón lót từ 3 – 5kg phân chuồng hoai + 500 – 600g supe lân + 100 – 300g ure + 100 – 300g kali hoặc 2kg phân NPK (5 – 10 – 3 – 8) cho mỗi hố, dùng cuốc trộn đều phân với đất, lấp cho gần đầy hố. Bón phân trước khi trồng từ 20 ngày trở ra.
5, Kỹ Thuật Trồng Cây Đu Đủ Đài Loan:
Đặt bầu cây giữa hố, dùng dao sắc rạch nhẹ gỡ bỏ bầu nilon (không làm vỡ bầu), vun đất quanh bầu, nén chặt gốc và tưới đủ ẩm cho cây. Dùng rơm rạ hay bèo phủ giữ ẩm cho đất. Khi cây bén rễ sinh trưởng tốt, cắm cọc ghì cây để giữ cây khỏi đổ qua mưa gió bão, khi cây lớn nới dần dây buộc.
6, Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Đu Đủ Đài Loan:
6.1 Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:
Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.
Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
6.2 Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:
– Cắm cây cọc: Thông thường đu đủ đều trồng thẳng, khi gặp gió bão phải cắm cọc chống gió, dùng 3 cây cọc cắm chéo hoặc 1 cây cọc cắm thẳng và cột chắc cây đu đủ vào cọc. Vào thời kỳ cây đậu trái nhiều mà gặp gió bão có thể chặt bớt một số lá già gần gốc, để giảm bớt sức cản gió, chống đổ ngã hoặc gãy.
– Tỉa cành và hái trái: Sau khi xuống giống, nếu trên thân chính mọc ra nhánh con phải ngắt bỏ sớm. Vào thời kỳ đậu trái phải hái bỏ kịp thời những trái bị méo, bị sâu bệnh, những lá già héo chết phải ngắt bỏ luôn cuống lá.
6.3 Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Đu Đủ:
Bón thúc 3 lần trong năm đầu: lần 1 sau trồng 4-6 tuần, lần 2 khi cây ra hoa kết quả, lần 3 khi quả lớn. Mỗi lần bón 200g urê, 100g lân, 200g kali. Hoà toàn bộ phân vào nước, tưới xung quanh và cách gốc 30-40cm. Khi cây mang quả nặng cần cắm cọc chống gió bão cho đu đủ, cắt bỏ lá già gần gốc, khơi rãnh thoát nước chống úng cho cây; làm sạch cỏ dại, xới xáo cho đất thông thoáng. Mùa khô cần ủ rơm rạ quanh gốc giữ ẩm cho cây. Năm sau, cây đu đủ thường phát triển kém đi, chọn để lại những cây khoẻ, loại bỏ cây yếu kém và trồng thế bằng cây con mới. Chế độ chăm sóc năm sau không khác gì năm đầu.
7, Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Đu Đủ Đài Loan:
Trong quá trình sinh trưởng, đu đủ có thể bị một số sâu hại như rệp sáp, bọ nhảy, bọ xít, nhện đỏ… phá. Có thể phun Decis 2,5 ND (nồng độ 0,1%), Trebon (1%) khi mật độ sâu hại cao. Các bệnh hại đu đủ như virus xoăn ngọn đốm vàng, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư… Để phòng tránh bệnh nên thực hiện tốt luân canh cây trồng, chọn trồng giống kháng bệnh, bón cân đối NPK để cây khoẻ, chống chịu bệnh tốt. Phát hiện sớm bệnh để phun Daconil, Topsin hay Zineb, Mancozeb (đối với các bệnh nấm phấn trắng hay thán thư).
8, Thu Hoạch và Bảo Quản:
Khi quả đã có vệt vàng trên vỏ quả (sau khoảng 2-3 tháng sau khi ra hoa). – Cây đu đủ trồng được khoảng 8 tháng sau khi gieo thì có thể bắt đầu thu hoạch. – Khi trái chín vàng (màu vàng trái đạt 10%) có thể thu hoạch để xuất khẩu hoặc vận chuyển đi xa. – Đu đủ có thể thu trái xanh để làm gỏi, muối dưa,… Để trái chín đỏ đẹp đều, khi thu hoạch gói bằng giấy báo và để vào giữa thùng một cục khí đá trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.