Hành lá được gọi bằng nhiều cái tên như: hành xanh, hành ta, hành hoa, hành hương hay hành sậy. Hành lá ngoài dùng thân, lá và hoa còn sử dụng củ bên dưới làm gia vị trong các bữa ăn, bên cạnh đó còn là một kho lưu trữ của tất cả những dược chất cần thiết mà cơ thể cần phải có để điều hòa kinh mạch và tạng phủ.
Theo Đông y: Hành có vị cay, tính nóng, tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, trợ tiêu hóa, sát trùng, an thai. Thường dùng chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ăn uống không tiêu, đầy bụng, bụng lạnh. Dùng ngoài giã nát, đun sôi để rửa các vết thương, vết loét, chàm(eczema), viêm da.
Theo Y học hiện đại: Trong 100g hành lá bao gồm Calo 34(kcal), Lipid 0.4 g, Cholesterol 0 mg, Natri 17 mg, Kali 212 mg, Cacbohydrat 7 g, Chất xơ 2.4 g, Đường 2.2 g, Protein 1.9 g, Vitamin A là 1160 IU , Canxi 18 mg, Vitamin C là 27 mg, Sắt là 1.2 mg, Vitamin B6 là 0.1 mg, Magiê là 23 mg.
Ứng dụng chữa bệnh của hành lá:
Chữa cảm mạo phong hàn: Hành hoa 10g, lá tía tô 10g, hai vị đem thái nhỏ, lòng đỏ trứng 2 quả. Nấu cháo hoa sau đó cho hành hoa và tía tô, trứng vào đánh đều lên, ăn khi cháo còn nóng. Bài thuốc này có tác dụng giải cảm, ra mồ hôi.
Chữa mụn nhọt: Hành củ nướng chín giã nát đắp vào mụn nhọt khi còn nóng.
Chữa tiểu tiện không lợi: Củ hành hoa 5g, gián đất 1 con, giã nát, băng đắp vào rốn. Tiếp đó có thể dùng bài thuốc sau: hành 20g, mã đề 20g, râu ngô 15g, rễ cỏ tranh 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa ngạt mũi, thở không thông: Hành 20g sắc uống.
Chữa tai biến mạch máu não: Ngay khi mới bị, hành một nắm nhỏ, giã nát hòa với nước tiểu trẻ em. Vắt lấy nước uống.
Chữa viêm tuyến vú: Hành 20 - 30g, giã nát, hấp nóng. Đắp chườm vào chỗ đau.
Chữa chín mé, xước mé: Củ hành nướng chín, đập dập đắp vào chỗ đau.
Chữa u xơ tiền liệt tuyến: Củ hành to 5 củ, phèn chua 9g. Nghiền phèn chua thành bột mịn, giã nát với củ hành thành dạng hồ, băng đắp vào rốn.
Chữa động thai ra máu: Hành củ 20g, giã nát. Ăn với cháo gạo nếp khi còn nóng.
Chữa giun chui ống mật: Hành 80g, giã vắt lấy nước, trộn với 40ml dầu thực vật. Hoặc uống nước hành sau đó uống dầu.
Chữa cảm cúm nhức đầu: Hành ta 6 - 8 củ, gừng sống 10g, xắt mỏng, đô vào 1 cốc nước sôi, xông miệng mũi mỗi ngày 2-3 lần. Đồng thời nên sắc nước gừng và hành để uống (1 ly giữa bữa ăn và 1 ly trước khi đi ngủ).
Chữa cảm sốt nhức đầu: Hành củ 30g, gừng tươi 20g, chè búp khô 8g, tía tô 6g. Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm 2 lần trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
Chữa xơ vữa động mạch: củ hành 60g, giã nát cùng 60g mật ong đun sôi kỹ, quấy đều, sau khi nguội cho vào bình đã khử khuẩn để dùng dần. Ngày 2 lần, mỗi lần 5- 7g, uống với nước sôi. 7 ngày là 1 đợt điều trị. Lúc uống bỏ bã hành ra.
Chữa bí đái, bụng dưới trướng đau: Củ hành, ruột ốc ruộng. Lượng bằng nhau, cùng giã nát, đun chín, dán vào huyệt quan nguyên (cách dưới rốn khoảng 3 tấc ta).
Chữa đau thần kinh sườn: Củ hành tươi 100g, gừng sống 2 củ, củ cải trắng 2 miếng. Giã nát, sao nóng bọc vào túi vải hơ nóng đắp vào chỗ đau.
Chữa bệnh tiểu đường: Củ hành tươi 100g, rửa sạch cắt nhỏ chần qua nước sôi, thêm vào ít xì dầu, dầu vừng trộn đều ăn với cơm, ngày 2 lần.
Chữa sâu bọ độc cắn bị thương: Hành củ to, mật ong vừa đủ, cùng giã nát dạng hồ đắp vào chỗ đau.
Chữa viêm khớp: Củ hành to 60g, gừng già 15g. Cùng giã nát, cho rượu trắng vừa đủ, đánh đều đắp vào chỗ đau.
Chữa tay chân tê dại: Củ hành to 62g, gừng 16g, ớt 3g, đun nước uống. Ngày 2 lần.
Hành là loại gia vị thông thường trong các bữa ăn hàng ngày. Cũng như những loại thảo dược thiên nhiên khác, hành lá được Y học đánh giá cao trong khả năng phòng và trị bệnh. Tuy nhiên, hãy sử dụng đúng cách để bảo vệ sức khỏe một cách an toàn nhất.
Những sai lầm khi chế biến hành:
Theo đông y, hành có tính ấm nên tránh dùng cho người có dương thịnh, hỏa bốc. Ăn quá nhiều sẽ gây phản tác dụng như có thể làm mắt mờ, tóc chóng bạc, thậm chí cản trở ra mồ hôi.
Phụ nữ có kinh sớm, kinh nhiều nên tránh ăn nhiều hành. Ngoài ra, không được dùng ở người huyết áp cao.
Hành lá và đậu phụ: Axit oxalic trong hành lá sẽ chuyển hóa thành Canxi oxalate khi chúng ta chế biến chung với đậu phụ, quá trình này cản trở cơ thể hấp thụ Canxi. Vậy nên, chúng ta tuyệt đối không cho hành vào những thực phẩm giàu Canxi vì sẽ làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của loại thực phẩm đó.
Hành kết hợp với thịt chó: Đây là một sai lầm trong ăn uống, hành và thịt chó đặc biệt kỵ nhau, nếu chúng ta ăn lẫn nhau sẽ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những bệnh nhân mắc chứng viêm mũi.
Hành và mật ong: Hành và mật ong khi kết hợp với nhau sẽ dẫn tới phản ứng và sản xuất ra các chất độc hại cho cơ thể. Vậy nên, khi nấu nướng, tuyệt đối không nên cho cả hành lẫn mật ong vào cùng một món. Cách nấu này sẽ khiến bạn bị rối loạn đường tiêu hóa.
Tham khảo y học cổ truyền Việt Nam