Tam thất là gì?
Tam thất hay kim bất hoán, sâm tam thất, điền thất nhân sâm, có tên khoa học là Panax pseudoginseng, họ nhân sâm (Araliaceae). Đây là vị thuốc quý được Y học cổ truyền sử dụng từ rất lâu. Cái tên “kim bất hoán” nghĩa là có vàng cũng không thể đổi được đã thể hiện giá trị và những công dụng tuyệt vời của tam thất.
Loài thực vật có hoa này được miêu tả khoa học lần đầu tiên năm 1829. Trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Nhà xuất bản Y học 2004), tác giả Đỗ Tất Lợi đã giải thích cho tên gọi tam thất có thể là do cây thường có từ 3 hoặc 7 lá chét. Cũng có lý do khác cho rằng từ khi gieo hạt tới khi cây ra hoa là 3 năm và thu rễ (chính là củ tam thất dùng để làm thuốc) là 7 năm.
Phần lớn củ tam thất đều có hình con quay hay hình thoi. Đường kính trung bình 1.5cm, độ dài trung bình là khoảng 3cm. Củ không phân nhánh, đầu củ sần sùi, thành nhiều mấu. Trên thân củ có nhiều vết vằn dọc theo đến hết củ, vỏ ngoài cứng, màu xám hoặc xám đen (củ sống) và màu đen (dạng đã sơ chế). Cắt ngang củ thì sẽ thấy được phần thịt củ màu xám xanh. Nếm một chút sẽ cảm thấy có vị đắng pha chút ngọt và mùi thơm đặc trưng.
Tam thất có tác dụng gì?
Theo Y học hiện đại:
Thành phần chủ yếu trong tam thất là hợp chất saponin nhóm dammaran hàm lượng cao giống như trong nhân sâm. Nó còn chứa các acid amin, các chất panaxytriol, polyactylen… Về khía cạnh nào đó, loại dược liệu này cũng bổ như nhân sâm. Thậm chí, có những mặt nhân sâm không thể sánh với nó như tác dụng cầm máu, bổ máu.
Chất noto ginsenosid trong củ có tác dụng tăng lực, tiêu các cục máu đông, tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, làm tăng sức co bóp của cơ tim và giảm thấp sự tiêu hao oxy của cơ tim. Ngoài ra, củ tam thất còn có tác dụng kích thích đối với chức năng nội tiết sinh dục nữ…
Theo Y học cổ truyền:
Tam thất có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, tính âm vào các kinh can, vị và là vị thuốc đa công dụng. Cụ thể:
– Tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, cầm máu, tiêu ứ huyết, tiêu sưng, giảm đau….
– Tác dụng bổ dưỡng như tăng sức đề kháng, tăng lực, điều hòa miễn dịch.
– Kích thích tâm thần, chống trầm uất, giảm trầm cảm
– Bảo vệ tim chống lại những tác nhân gây loạn nhịp.
– Chữa các trường hợp chảy máu do chấn thương (kể cả nội tạng), tiêu máu ứ do phẫu thuật, va dập gây bầm tím phần mềm.
– Giảm sinh khối u, làm giảm tốc độ phát triển u, hạn chế sự di căn của tế bào ung thư nên có thể kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Dùng tam thất như thế nào?
Sơ chế trước khi dùng:
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả chữa bệnh của tam thất, người dùng cần rửa thật nhanh bằng nước đun sôi để nguội vào lần sao cho nước kịp ngấm vào ruột. Phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50 – 60 độ C (tuyệt đối không rang tam thất trên chảo nóng hoặc tẩm mỡ gà rồi phơi khô như nhiều người đồn thổi). Khi dùng mới thái thành lát hoặc tán bột. Dùng đến đâu thì làm đến đấy vì để nguyên thì thời hạn sử dụng có thể kéo dài đến 2 năm nhưng nếu thái lát hoặc tán bột thì chỉ duy trì được trong khoảng 6 -12 tháng.
Cách dùng hiệu quả:
Người dùng có thể lựa chọn dùng tam thất sống dưới dạng bột, dạng lát cắt ngậm, nhai hoặc mài với nước để uống. Tuy nhiên, với những trường hợp thiếu máu, cơ thể suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ thì có thể thái phiến hầm với gà ác, thịt chim, hãm với nước sôi để pha trà… Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tam thất đúng liều lượng hoặc kết hợp với một số vị thuốc khác để phòng và điều trị nhiều chứng bệnh như:
– Phòng và chữa đau thắt ngực: Ngày uống 3-6 g bột tam thất (1 lần), chiêu với nước ấm.
– Chữa thấp tim: Ngày uống 3 g bột tam thất, chia 3 lần (cách nhau 6-8 giờ), chiêu với nước ấm. Dùng trong 30 ngày.
– Đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Tam thất 20g, đan sâm 20g sắc uống hoặc lấy nước nấu cháo. Ăn liên tục trong vài tháng.
– Chữa thống kinh (đau bụng trước kỳ kinh): Ngày uống 5 g bột tam thất, uống 1 lần, chiêu với cháo loãng hoặc nước ấm.
– Chữa các vết bầm tím do ứ máu (kể cả ứ máu trong mắt): Ngày uống 3 lần bột tam thất, mỗi lần từ 2-3 g, cách nhau 6-8 giờ, chiêu với nước ấm.
– Chữa bạch cầu cấp và mạn tính: Đương quy 15-30 g, xuyên khung 15-30 g, xích thược 15-20 g, hồng hoa 8-10 g, tam thất 6 g, sắc uống.
– Những trường hợp chảy máu bầm tím do chấn thương, ho ra máu, rong kinh rong huyết, chảy máu cam: Dùng bột hòa nước ấm uống hàng ngày, mỗi ngày 20g.