Cà gai leo là gì?
Cà gai leo còn có tên khác là cà gai dây, cà lù, cà bò, cà vạnh, cà quýnh, cà Hải Nam, cà quạnh, gai cườm. Nó có tên khoa học là Solanum procumbens, thuộc họ Solanaceae. Loài dược liệu quý này phân bố chủ yếu ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc. Tại nước ta, chúng xuất hiện ở các tỉnh từ miền Bắc cho đến Huế.
Đây là loại cây nhỏ sống nhiều năm, mọc leo hoặc bò dài. Thân cây hoá gỗ, nhẵn, phân thành nhiều cành, trên cành phủ lông hình sao và có rất nhiều gai. Lá cây hình bầu dục hay thuôn, xẻ thuỳ không đều, mọc so le. Mặt trên của lá có gai, mặt dưới có lông mềm màu trắng, hình sao. Hoa mọc thành cụm ở nách lá, hình xim, màu tím nhạt. Quả thuộc dạng quá mọng, hình cầu, khi chín có mày đỏ tươi. Hạt hình dẹt, màu vàng.
Cây cà gai leo mọc hoang ở khắp nơi hoặc được trồng để làm hàng rào. Bộ phận dùng làm thuốc thường là rễ, thân, cành, quả. Các bộ phận này được thu hái quanh năm. Thân cành thu về được cắt thành từng đoạn ngắn 2cm, có thể dùng tươi hoặc phơi khô, sao vàng để bảo quản và dùng dần. Rễ thu về rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy cho khô. Cũng có thể dùng dược liệu đã sơ chế nấu cao nước, cô thành cao mềm hay cao khô. Theo nghiên cứu, bộ phận có dược tính mạnh nhất trong cây là rễ, chứa lượng saponin steroid rất lớn. Khi thủy phân sẽ cho ra các hợp chất như solasodinon, solasodin, diosgenin, flavonoid có tác dụng chống viêm và chống xơ hóa rất tốt.
Cà gai leo có những tác dụng gì cho sức khỏe?
Nhiều công trình nghiên cứu về công dụng của cà gai leo với sức khỏe đã được thực hiện. Theo các công trình này thì loại dược liệu họ cà này có tác dụng vô cùng to lớn trong việc tăng cường chức năng và hỗ trợ rất tốt trong việc điều trị bệnh viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, các hợp chất trong cây còn giúp phòng và hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác như:
– Tê thấp, đau lưng, đau nhức xương, thấp khớp
– Chứng ho gà, suyễn, ho do viêm họng
– Bệnh cảm cúm, dị ứng
– Viêm lợi, viêm quanh răng
– Chống say rượu, làm thuốc giải rượu, giã say
TS Võ Văn Chi cho biết từ những năm 70 của thế kỷ trước, tại Viện Dược liệu đã có chế các dạng thuốc từ cà gai leo như: Solamin A từ rễ cà gai leo, rễ ngưu tất và rễ khúc khắc có tác dụng chữa thấp khớp và chống viêm hiệu quả; Solamin B từ rễ cà gai leo và rễ ngưu tất có tác dụng chống viêm, giảm đau với các chứng đau lưng cấp do lạnh và sang chấn; Haina bào chế từ dạng chiết toàn phần của cây cà gai leo có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và chống colagenose, hạn chế sự phát triển của xơ gan nên được dùng để chữa viêm gan mạn và viêm gan virus B; A.P.D bào chế từ cà gai leo, ngưu tất và sâm đại hành được dùng để chữa chứng viêm lợi mủ chân răng, viêm quanh răng và làm chậm lại thời kỳ tái phát của bệnh.
Dùng cà gai leo như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu?
Cà gai leo có nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng để đạt hiệu quả tối ưu với từng chứng bệnh thì người dùng nên sử dụng liều lượng và phối hợp với các thành phần khác cho phù hợp như:
-
Giải rượu, bảo vệ chức năng gan
Lấy 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi, cho người say rượu uống thay nước. Hoặc 100g cà gai leo khô sắc với 400ml nước còn 150ml, uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm.
-
Giảm nhức, sưng đau do viêm khớp
Rễ cà gai leo, rễ cỏ xước, rễ tầm xuân, vỏ chân chim, dây đau xương, dây mấu mỗi loại 25g, sắc với 3 bát nước cho còn 1 bát. Chia thành 2 phần uống vào buổi sáng và trưa sau bữa ăn. Mỗi liệu trình dùng liên tục trong 20 ngày.
-
Giảm ho do viêm họng
Chuẩn bị rễ cà gai leo 15g, lá chanh 30g. Cho vào nồi sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 5-7 ngày.
-
Giảm viêm lợi, viêm quanh răng
Sau bữa ăn sáng và tối, ngậm khoảng 10-20ml cao chiết xuất từ cà gai leo dạng lỏng. Hoặc lấy 3g hạt cà gai leo, tán nhỏ cho vào dụng cụ đựng bằng đồng với một ít sáp ong và đốt lấy khói để xông vào chân răng.